Tiên phong công nghệ, dịch vụ dẫn đầu
Bài viết này nhằm giải thích những chức năng và tính năng cơ bản, cũng như những điều mà chúng ta cần lưu ý ở trên 1 chiếc máy dán cạnh tự động. Như các anh chị đều biết thì trước đây chúng ta đều xử lý các cạnh sau khi cắt của ván công nghiệp một cách rất thủ công bằng cách bôi keo con chó sau đó là sẽ đặt chỉ nhựa pvc lên rồi tiến hành các thao tác như là gõ, đè, miết…. Sau đó dùng dao dọc giấy gọt đi hai mép thừa để tạo nên tính Thẩm Mỹ cho sản phẩm, nhưng theo thời gian thì việc này làm cho chất lượng dán không chỉ rất xấu mà độ hoàn thiện cũng không đảm bảo, độ kết dính cũng như tuổi thọ của sản phẩm cũng rất thấp. Từ đó để nâng cao chất lượng của nội thất công nghiệp thì việc sử dụng máy dán cạnh tự động là tối cần thiết.
Điểm đầu tiên mà máy dán cạnh tự động khác với các cái dòng dán cạch thủ công của chúng ta đó là trên máy được trang bị một nồi keo có thể gia nhiệt lên đến hơn 200 độ C, với nồi keo như vậy thì việc sử dụng keo sẽ khác hoàn toàn so với cách dùng keo con chó trước đây. Dù là các loại keo nhiệt thấp (dùng cho chỉ nhựa mỏng, vì nếu dùng keo nhiệt cao có thể làm biến dạng chỉ sau khi dán) thì nhiệt độ cũng dao động từ 120 độ đến130°C trở lên. Do đó ta có thể dùng các loại keo hạt EVA có độ kết dính cao để dán cạnh cho ván sau khi cắt. Đây chính là điểm khác nhau cơ bản nhất của phương pháp dán cạnh thủ công và máy dán cạnh tự động.
Tiếp theo đó, để dán cạnh tự động được thì chúng ta sẽ có các cái hệ thống cung cấp chỉ dán cạnh cho máy. Thay vì việc phải đo xem sản phẩm dài bao nhiêu để cắt sẵn các đoạn chỉ để dán một cách thủ công thì trên máy sẽ có các cái hệ thống cảm biến, công tắc hành trình hay encoder, những hệ thống cảm biến này sẽ báo cho máy biết khi nào thì cần phải cắt các đoạn chỉ phù hợp cho sản phẩm mà chúng ta muốn dán. Sau đó keo sẽ được bôi lên trên cốt của ván. Và một hệ thống con lăn sẽ ép các chỉ này lên trên cái mặt cốt ván đã được bôi keo.
Khi khi bôi keo và dán chỉ lên cốt ván thì mặc dù máy đã cắt 1 đoạn chỉ vừa phải để chúng ta dán trên bề mặt phôi. Nhưng chỉ này sẽ được cắt thừa một chút ở phía đằng trước và thừa một chút ở phía đằng sau thường thường dao động trong khoảng 3mm để đảm bảo chỉ luôn bao gọn phôi cần dán, và nếu như không có tính năng cắt gọt tự động thì khi dán xong chúng ta lại phải gọt lại phần đầu và đuôi của phôi của một cách thủ công. Tính năng cắt đầu đuôi tự động sẽ sử dụng một lưỡi cưa với tốc độ quay rất cao và di chuyển theo một phương tương thích với hướng di chuyển của phôi để cắt gọn những phần chỉ còn thừa trên phôi. Để đảm bảo cho tính năng này hoạt động trơn tru thì yêu cầu nguồn khí nén (còn gọi là hơi) cung cấp cho máy phải khoẻ và ổn định, do đó máy dán cạnh nên được đặt ở gần máy nén khí nhất có thể để luôn được cung cấp lượng khí cần thiết để vận hành chính xác. Tại một số dòng cao cấp, máy sẽ được trang bị thêm một bình khí nhỏ, đóng vai trò điều áp và cung cấp khí cho máy trong trường hợp áp suất bị mất đột ngột.
Về cơ bản khi dán cạnh cho ván, ta luôn phải chọn chỉ có tiết diện lớn hơn chiều dày của ván. Ví dụ, nếu ván dày 18mm thì cần dùng chỉ 22mm. Do đó, sau khi dán cạnh thì phía trên và dưới của mặt dán sẽ còn thừa ra khoảng 2mm mỗi bên, chúng ta cần sử lý phần thừa này. Đó là lý do chúng ta có tính năng bo gọn cạnh trên dưới. Với chức năng này chúng ta sẽ có hai motor lắp dao hình tương tự như dao tubi, motor cao tốc sẽ có vòng quay rất cao sẽ không chỉ gọn phần chỉ thừa khi dán mà còn tạo lên một cạnh R rất đẹp.
Cần lưu ý, với những chỉ rất mỏng hoặc chỉ veneer thì việc bo cạnh trên dưới sẽ khá khó khăn do chỉ không đủ độ cứng để bo. Với trường hợp này cần điều chỉnh lại dao bo cho phù hợp, thậm trí có thể xoay ngược chiều của dao bo cạnh. Thường sẽ phải nhờ nhân viên kỹ thuật lành nghề để làm việc này.
Ở một số dòng máy cao cấp, tính năng bo cạnh trên dưới có thể được trang bị đồng thời hai bộ, từ đố tăng tính ổn định và thẩm mỹ cho cạnh bo, đồng thời cũng hạn chế việc chỉ bị phay quá nhiều ăn cả vào cốt ván gây lỗi sản phẩm.
Thông thường sau khi bo R cạnh trên dưới, thì sản phẩm đã được sử lý cạnh khá triệt để và đẹp, tuy nhiên, do băng tải chuyền phôi với tốc độ cao và motor bo cạnh cũng là motor cao tốc nên sau một thời gian có thể xuất hiện tình trạng cạnh chỉ sau khi bo không thẳng mà mấp mô và có vết không đẹp. Do đó để triệt tiêu hết các cái phần gấp gờ như vậy chúng ta cần sử dụng một dao đặt cố định ở một vị trí để khi phôi lướt qua sẽ gọt đi các phần thừa, làm cho cạnh chỉ thật phẳng, đẹp.
Thêm 1 cái chức năng phụ nữa đó là gọt mặt, có nghĩa là thay vì chỉ gọt cạnh R thì máy sẽ bổ sung thêm hai con dao để gọt mặt trên và mặt dưới đảm bảo rằng là chỉ dán cạnh và bề mặt ván là bằng nhau.
Với những tính năng như cắt gọt đầu đuôi, bo trên dưới và gọt nguội chúng ta đã có thể tạo ra một sản phẩm gần như hoàn thiện và có tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên tại các góc vuông tiếp xúc của hai cạnh ván vẫn còn rất sắc bén vì nó là góc vuông 90 độ, do đó chúng ta cần một tính năng để sử lý góc vuông đó, đó là tính năng bò góc xuất hiện ở các máy dán cạnh tự động từ 7 chức năng trở lên.
Việc sử dụng một dao hình để sử lý một góc vuông có tiết diện chưa đến 1mm đang di chuyển với tốc độ từ 8 đến 20m/p là rất khó. Chính vì vậy bo góc trở thành tính năng phân tách máy dán cạnh tự động thành hai dòng cơ bản từ 4 đến 6 chức năng và cao cấp từ 7 chức năng trở lên. Với những xưởng có tệp khách hàng là các dự án, căn hộ cao cấp… việc đầu tư một máy dán cạnh với chức năng bo góc là yêu cầu bắt buộc.
Cũng do việc bo góc là không hề dễ nên để đảm bảo độ chính xác, độ ổn đỉnh của chức năng này, máy cần được trang bị những linh kiện cao cấp, có độ hoàn thiện tốt và chất liệu đảm bảo tuổi thọ cơ khí cao, nên giá thành của máy dán cạnh có bo góc cũng khá cao so với những máy dán cạnh dưới 7 chức năng.
Bây giờ tôi nói về tính năng tiếp theo và thường được trang bị trên các máy tám chức năng đó là tính năng phay bo cạnh ván trước khi dán, tính năng này đặc biệt quan trọng với các xưởng có sản phẩm có chiều dày cao lấy ví dụ như cửa thông phòng, cửa ra vào. Với những sản phẩm này thì thường chúng ta sẽ phải ghép tối thiểu hai tấm ván MDF lại với nhau tạo ra chiều dày từ 25mm, 35mm, 45mm, thậm chí là 55mm. Với chiều dày như vậy, khi chúng ta cắt thì chắc chắn là đường cắt của chúng ta không được phẳng và khi đường cắt của chúng ta không phẳng thì lăn keo lên trên bề mặt phôi sẽ không chính xác điều đó làm cho khi chúng ta ép chỉ lên cạnh ván sẽ có một lỗi cơ bản đó là lỗi chỗ thì thừa keo chỗ thì thiếu keo.
Do đó, để đảm bảo sự chính xác trong việc lăn keo và dán chỉ hàng dầy, người ta sẽ trang bị 2 cái bộ dao phay bo lại cạnh của ván trước khi dán. Cụ thể hơn, máy sẽ được bổ xung thêm hai trục router dưới, lắp hai dao phay có chiều cao tối đa 60mm (dao này tương tự như dao của máy bào 4 mặt). Hai trục phay này sẽ được lắp ngay vị trí đầu băng tải để tiến hành phay bo lại cạnh ván trước khi trục lăn keo bôi keo lên phôi ván.
Việc này không chỉ sửa cho cạnh ván thêm thẳng để lăn keo chính xác hơn mà còn gián tiếp tăng độ kết dính của keo và phôi, cũng đồng thời loại bỏ phần mép ván bị ngấm ẩm sau khi cắt mà chưa dán ngay cạnh. Từ đó, chức năng phay bo cạnh ván không chỉ tăng thẩm mỹ của sản phẩm mà còn gián tiếp tăng chất lượng và tuổi thọ của sản phẩm nội thất ván công nghiệp.
Nếu như bo góc là tính năng phân loại máy dán cạnh cơ bản và cao cấp thì dán vát 45 độ là tính năng khó thực hiện rất trên máy dán cạnh tự động. Với những sản phẩm cao cấp có bề mặt hoàn thiện cao và đắt tiền như acrylic, laminate chất lượng cao, veneer… và sử dụng tại các vị trí như cánh tủ bếp, ngăn kéo, tủ áo… Thì việc hoàn thiện với bề mặt trơn là yêu cầu tất yếu, do đó để mở cánh ta cần có một cạnh cánh được làm vát để có thể móc tay vào mở.
Để thực hiện được việc này, máy dán cạnh cần có một trục router chuyên để phay góc vát 45 độ trên phôi cần dán. Bên cạnh đó, chỉ dán cạnh cũng phải được khía một đường nhỏ để khi gập lại không bị gồ lên và bung chỉ. Việc khía chỉ này là rất quan trọng và cũng rất khó vì chiều dày của chỉ chỉ 0.8mm nên nếu không chính xác sẽ bị rách chỉ. Do đó cũng như tính năng bo góc, các máy dán vát cần được hoàn thiện bằng vật liệu tốt, độ hoàn thiện cao và chính vì vậy giá thành cũng còn khá cao.
Do vậy máy dán cạnh vát 45 độ chỉ phù hợp với xưởng có sản lượng lớn, làm nhiều hàng và tài chính tốt.
Hiện nay có hai dòng máy dán cạnh vát 45 độ, thứ nhất là dòng máy tính hợp cả dán thẳng và dán nghiêng 45. Với dòng này, giá thành là một trở ngại khá lớn đối với khách hàng, vì với những dòng giá phải chăng thì độ ổn định của máy lại chưa đảm bảo. Dòng thứ hai là máy dán cạnh vát độc lập, nghĩa là máy sẽ không dán được cạnh thẳng 90 độ, tuy nhiên máy vẫn có các tính năng như cắt đầu đuôi, bo trên dưới…. Đây là sản phẩm mà chúng tôi khuyến khích khách hàng của mình đầu tư vì một số lý do như: thường các xưởng đã có máy dán thẳng 90 độ, việc không thay đổi thường xuyên giữa dán thẳng và dán vát cũng làm độ ổn định của máy được tăng lên, và quan trọng là giá thành hợp lý, khiến nó trở thành lựa chọn thiết yếu khi nâng cấp xưởng để có chất lượng hàng tốt hơn.
Chức năng tự động cuối cùng của máy dán cạnh là một chức năng có giá thành không cao về mặt đầu tư nhưng lại mang lại giá trị rất cao trong việc giảm nhân công trong sản xuất đó là xịt dung dịch và vệ sinh ván. Việc sử dụng dung dịch tẩy rửa chuyên dụng để xịt lên cạnh ván sau khi dán và gọt cạnh, sau đó dùng chổi vải xoay với tốc độ cao sẽ đánh bay những phần keo thừa còn dính trên bề mặt ván sau khi dán. Điều này giúp giảm ít nhất hai nhân công chuyên đi lau lại ván trước khi đóng gói thành phẩm.
Như vậy tôi vừa trình bày cho các anh các chị những cái tính năng cơ bản nhất trên 1 cái máy dán cạnh tự động, trong đó ngoài việc đun keo và cắt chỉ chúng ta có cắt đầu đuôi, chúng ta có bo trên dưới, gọt nguội, bo góc và phay cạnh, dán vát 45 độ. hy vọng những thông tin này có thể đem lại cho anh chị những cái thông tin hữu ích trong cái quá trình tìm ra máy dán cạnh phù hợp cho quá trình sản xuất nội thất ván công nghiệp.
Tác giả: Mr Cường - GĐ Đại Phúc Vinh CNC Hà Nội